Áp xe gan tại Việt Nam: Tỷ lệ tử vong khá cao, điều trị phức tạp
Áp xe gan là tình trạng gan bị tổn thương hình thành các ổ mủ, rất phổ biến tại Việt Nam với tỷ lệ tử vong khá cao và điều trị phức tạp. Đây là bệnh lý thường gặp trong khoa Nội tiêu hóa và Ngoại tiêu hóa nhất là ở các bệnh nhân có bệnh nền.
Đây là một trong những thông tin quan trọng được các chuyên gia đưa ra tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Một số vấn đề trong chẩn đoán và điều trị áp xe gan hiện nay” do Bệnh viện Nhân Dân Gia Định tổ chức vào ngày 16/3/2023.
Với sự góp mặt của chủ tọa TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và PGS.TS.BS Nguyễn Văn Hải - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trưởng Bộ môn Ngoại tổng quát Đại học Y Dược TPHCM cùng các nội dung thu hút, buổi sinh hoạt khoa học thu hút gần 200 nhân viên y tế tham dự.
Trong bài báo cáo “Phổ tác nhân áp xe gan hiện nay tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”, TS.BS Mai Phan Tường Anh - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho biết: “Hiện chưa có đồng thuận trong điều trị áp xe gan vì nguyên nhân rất đa dạng do vi khuẩn, ký sinh trùng, amip, lao và nấm.
Áp xe gan được phân thành 2 loại là áp xe gan do amip và áp xe gan do vi trùng. Trước đây, tại các nước phát triển, áp xe gan do vi trùng chiếm 3/5 và áp xe gan do amip chiếm ưu thế. Do điều kiện sống và điều kiện vệ sinh, trong một thập kỷ nay, theo tài liệu chủ yếu của các nước, đặc biệt tại Ấn Độ cho thấy áp xe gan do amip vẫn chiếm ưu thế ở các nước đang phát triển (từ 50 - 68%)”.
Tuy nhiên, chuyên gia dẫn chứng, theo số liệu của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, giai đoạn 2008 - 2012 so với giai đoạn 2021 - 2022 áp xe gan do amip có xu hướng giảm (24 ca giảm còn 8 ca) và sán lá bắt đầu tăng (từ 24 ca tăng lên 34 ca). Hiện nay áp xe gan do amip giảm đáng kể về tỷ trọng, bên cạnh đó vi khuẩn Klebsiella pneumoniea chiếm ưu thế và áp xe gan do Burkholderia spp là một bệnh cảnh mới rất nguy hiểm và nặng (là biểu hiện của bệnh Withmore tại gan).
Chương trình được tiếp nối với chia sẻ của BS Trần Trọng Tân - Khoa Ngoại tiêu hóa xung quanh chủ đề “Đặc điểm áp xe gan do sán lá”. Chuyên gia cho biết: “Áp xe gan có 2 loại là áp xe gan lớn và áp xe gan nhỏ. Trong áp xe gan lớn gồm 2 loại là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Chu kỳ sống của sán lá gan có 7 giai đoạn. Đầu tiên là trứng của sán lá có thể tìm thấy trong phân của người và động vật nhiễm bệnh. Sau thời gian phát triển, sán lá gan theo môi trường nước đọng lại, đóng thành nang trên những thực vật thủy sinh như rau,… Nếu động vật hay con người vô tình ăn phải sẽ trở thành ký chủ của sán lá gan. Trong hệ tiêu hóa của người sán đi từ dạ dày đến tá tràng, xuyên qua ruột và đi đến cư trú tại hệ gan mật”.
BS Trần Trọng Tân
Theo CDC, dịch tễ của Fasciola hepatica khá phổ biến có ở hơn 70 quốc gia (trừ Nam Cực). Fasciola gigantica ít gặp hơn, chủ yếu ở vùng nhiệt đới, một số vùng của châu Á và châu Phi. Dựa trên các báo cáo khoa học, ước tính khoảng 2,4 - 17 triệu người tại hơn 51 quốc gia trên thế giới mắc bệnh này. Ở Việt Nam, sán lá gan có 2 vùng dịch tễ ở miền Bắc (từ Hải Phòng đến Quảng Ninh) và miền Nam (từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận).
Nguyên nhân nhiễm bệnh đa số ở người Việt là do thói quen ăn rau sống hoặc các loại cây thủy sinh bị ô nhiễm, uống phải nước bị ô nhiễm. Ăn gan cừu, dê sống hoặc nấu chưa chín có chứa các dạng ký sinh trùng chưa trưởng thành.
Theo CDC, có 2 giai đoạn ký sinh trùng gây bệnh khi vào cơ thể người. Giai đoạn đầu (cấp tính), do từ đường tiêu hóa vào gan mật nên có thể gây các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, sốt phát ban, khó thở; trên xét nghiệm lâm sàng có thể tăng bạch cầu ái toan và tăng nồng độ tuyến men gan. Trong giai đoạn mạn tính (đã định cư trong đường mật) có thể gây những bệnh lý về đường mật như tắc mật, viêm đường mật từng đợt, viêm túi mật, viêm tụy.
Tập trung sâu hơn vào vấn đề “Chẩn đoán và điều trị áp xe gan do Klebsiella pneumoniea”, ThS.BS Lê Kim Long - Khoa Ngoại tiêu hóa nhấn mạnh: “Áp xe gan do vi trùng có thể gây ra viêm mủ nội nhãn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hơn 90% bệnh nhân bị giảm thị lực. Ngoài ra có thể gây ung thư đại tràng. Theo khuyến cáo, phải điều trị kháng sinh tĩnh mạch ít nhất 2 tuần, kháng sinh đường uống đủ 4 - 6 tuần đối với áp xe gan Klebsiella pneumoniea dù có can thiệp dẫn lưu hay không”.
ThS.BS Lê Kim Long
Sau khi kết thúc phần trình bày của chủ tọa và ba báo cáo viên, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi từ các y bác sĩ ngay tại hội trường.
Buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung hấp dẫn đã thu hút gần 200 người tham dự
TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết, áp xe gan do vi khuẩn Klebsiella pneumoniea là một thể rất hiếm. Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Buổi sinh hoạt chuyên đề này đem lại lợi ích rất lớn, nhằm cảnh báo bệnh có sự phát triển ngày càng nhiều. Cần xác định được tác nhân gây bệnh và tác nhân này phù hợp với loại kháng sinh nào để điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng không mong muốn.
Các báo cáo viên chụp hình lưu niệm cùng chủ tọa đàm tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Được biết, mỗi sáng thứ năm hàng tuần, Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ sinh hoạt chuyên đề về bệnh. Sau đó thống kê các bệnh nổi trội, thường gặp nhất để cập nhật cho các bác sĩ nắm bắt tình hình hiện tại, từ đó góp phần chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình